Trong Hội nghị các nhà phát triển Apple toàn cầu 2022 (WWDC 2022), Apple đã cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về tương lai, chia sẻ các thông báo về iOS 16, iPadOS 16, watchOS 9 và macOS 13. Cùng với phần mềm, Apple cũng giới thiệu phần cứng mới, công bố MacBook Air mới ( 2022) và đáng ngạc nhiên hơn là một chiếc MacBook Pro 13 được “nâng cấp”.
Trong khi MacBook Air có sự thay đổi lớn trong thiết kế, thì bản Pro “mới” lại quá quen thuộc và cũ kỹ. Apple đã đi theo con đường “lười biếng” với MacBook Pro 13.
Phần cứng của Apple đã khá tốt trong thập kỷ qua, nhưng cũng có một số sai lầm. Apple từng thay thế bàn phím trên MacBook bằng công nghệ tệ hơn, dễ hư hỏng, loại bỏ các cổng kết nối khỏi MacBook “Pro” và thậm chí loại bỏ hệ thống sạc MagSafe được yêu quý.
Apple cũng giới thiệu công nghệ mới với dải Touch Bar, nhưng nó không thành công như hãng mong đợi khi khiến các bước sử dụng trở nên phức tạp hơn.
Đây là một kỷ nguyên đen tối với người dùng MacBook và mặc dù Apple vẫn cố chấp trong nhiều năm, nhưng cuối cùng hãng đã sửa sai bằng cách quay lại công thức cũ. Nhờ đó, nhiều người đã hài lòng với MacBook Pro 14 và MacBook Pro 16 và Apple tiếp tục xu hướng này với việc phát hành MacBook Air (2022).
Tuy nhiên sau tất cả các bước đi thành công này, Apple lại chọn đi lùi với MacBook Pro 13. Không hiểu tại sao hãng lại tự hào giới thiệu một thiết kế cũ với Touch Bar trong sản phẩm mới, như một lời nhắc về kỷ nguyên đáng xấu hổ của mình.
Đối với một công ty có quy mô và nguồn lực dồi dào như Apple, việc tìm ra một thiết kế khác cho MacBook Pro 13 là điều có thể thực hiện được, và thậm chí sẽ là dễ dàng khi xem xét các thiết kế có sẵn từ MacBook Pro 14.
Ngoài ra, công ty có thể chọn bỏ qua MacBook Pro 13 thay vì ra mắt với thiết kế lỗi thời. Tất nhiên, không có MacBook Pro 13 thì sẽ tạo có một lỗ hổng trong dòng sản phẩm hiện tại của Apple, nhưng đây là một giai đoạn chuyển tiếp và Apple vẫn có thể cung cấp nhiều sản phẩm hấp dẫn khác thay thế.
Dù Apple từng dùng thiết kế cũ khi ra mắt chip M1, nhưng đó là thời điểm họ vừa tung chipset mới vào thị trường trường và đang trong giai đoạn thăm dò. Trong trường hợp này, Apple đã hạn chế rủi ro bằng cách sử dụng một thiết kế cũ và tối đa hóa việc sử dụng chuỗi cung ứng hiện có của họ.
Nhưng bây giờ, chip M series rõ ràng đã có được vị thế của mình, việc tiếp tục sử dụng một thiết kế cũ mang đến cảm giác như Apple chỉ trục lợi từ một chuỗi cung ứng có sẵn mà không muốn nỗ lực để cung cấp nhiều hơn cho người dùng.
Hơn nữa, nếu Apple muốn giữ một cái gì đó theo phong cách “cũ”, họ có thể sử dụng khung của MacBook Pro 13 mà không có Touch Bar. Điều này sẽ giúp máy trông giống với dòng sản phẩm hiện tại hơn một chút và có lẽ sẽ giảm giá thành của máy. Bởi vì hiện tại, MacBook Pro 13 nằm giữa MacBook Air 13 và MacBook Pro 14, nó vừa mất đi lợi ích của việc rẻ hơn, vừa không mạnh mẽ hơn.
Không chỉ bên ngoài, iFixit, hãng chuyên mổ xẻ các thiết bị điện tử còn phát hiện một điều thú vị khác về chiếc MacBook này – nó chỉ là một chiếc laptop tái chế với con chip mới bên trong. Không những thế, trong clip mở hộp MacBook Pro M2 của YouTuber MKBHD, ngay cả hộp đựng chiếc laptop này cũng giống hệt như phiên bản cũ, khi Apple chỉ thay thế mỗi nhãn dán ghi các thông số kỹ thuật mới.
Tham khảo: XDA Developers